fbpx
marie curie

Women in Science – Who is she? – Người mở đường cho vaccine COVID-19

WOMEN IN SCIENCE

Who Is She?

#MForHER #WIS

Người mở đường cho Vaccine Covid-19

Ở bài viết cuối cùng trong chuỗi bài viết tôn vinh người phụ nữ trong khoa học, xin được dành để cảm ơn tới 2 nhà nữ khoa học với những đóng góp to lớn trong cuộc chiến chống SARS-CoV-2 của loài người: Giáo sư Sarah Gilbert-“mẹ đẻ” của vaccine AstraZeneca và Giáo sư Hóa Sinh học Katalin Karikó – “người mở đường” cho vaccine COVID-19 sử dụng công nghệ mRNA.

1. Sarah Gilbert sinh năm 1962

Là giáo sư chuyên ngành vaccine tại Viện Nghiên cứu Jenner, Đại học Oxford – một trong những trung tâm nghiên cứu y khoa hàng đầu thế giới, nhưng con đường đến với thành công của bà như ngày hôm nay không hề trải hoa hồng như mọi người nghĩ.

Tốt nghiệp tiến sĩ, Sarah bắt đầu làm việc trong môi trường công nghiệp trước khi quay trở lại môi trường hàn lâm tham gia vào nhóm nghiên cứu của Adrian Hill – giáo sư y khoa tại Viện Nghiên cứu Jenner, Đại học Oxford, để bắt đầu những nghiên cứu về vaccine chống sốt rét vào năm 1994.

người mở đường cho vaccine covid 19
Sarah Gilbert: Ảnh chụp tại Đại học Oxford (https://www.bbc.co.uk/news/uk-55043551).

Năm 1998, bà sinh con – một ca sinh ba – và sau thời gian nghỉ thai sản, gia đình nhà nữ khoa học trẻ bắt đầu gặp khó khăn để trở lại với công việc nghiên cứu. “Cân bằng giữa cuộc sống và công việc thật chẳng dễ dàng, và có khi là không thể nếu bạn không có được sự hỗ trợ tốt. Tôi có ba đứa nhỏ, và tiền gửi ba đứa đi nhà trẻ còn nhiều hơn cả lương một postdoc như tôi khi đó. Người bạn đời của tôi đã phải hi sinh sự nghiệp của anh ấy, ở nhà trông ba đứa trẻ để tôi quay trở lại với nghiên cứu” (Rob Blundell chồng bà, cũng là một nhà khoa học) – Sarah thổ lộ trong một phỏng vấn với nhà trường. Nhưng với Sarah, môi trường khoa học cũng có những điểm lợi thế riêng với thời gian làm việc linh hoạt và không cần cố định. Sự nỗ lực của bà cùng sự hi sinh thầm lặng của chồng đã được đền đáp khi Sarah Gilbert được bổ nhiệm làm giảng viên Đại học Oxford vào năm 1999 và tiếp đó là phó giáo sư (Reader) vào năm 2004.

Trong những ngày đầu năm 2020, khi nhận được những dữ liệu đầu tiên về cấu trúc gene của virus đang gây dịch viêm phổi tại Vũ Hán, nhóm của Sarah Gilbert đã ngay lập tức nghĩ tới việc tạo ra vaccine. Bà cùng một nữ giáo sư khác ở Oxford, Teresa Lambe và những cộng sự trong nhóm đã làm việc liên tục trong những ngày cuối tuần để thiết kế vaccine. 

Cả nhóm đặt mục tiêu tạo ra một loại vaccine cho nhân loại có nghĩa là họ sẽ không phát triển vaccine vì lợi nhuận – như những tiền lệ mà các nhà khoa học ở Anh đã từng theo đuổi (ví dụ như John Sulston từng mở miễn phí dữ liệu gene người trước kia). “Ngay từ ban đầu, chúng tôi nhận thấy rằng vaccine này sẽ tham gia cuộc đua chống virus chứ không phải tranh đua với các vaccine khác. Chúng tôi làm việc ở đại học, và không có ý định kiếm tiền từ nó” – S. Gilbert chia sẻ với BBC.

Từ những thử nghiệm đầu tiên tại Anh hồi tháng 04/2020, rồi gặp trở ngại khi các ca nhiễm tại Anh giảm mạnh trong mùa hè, rồi lại bùng lên hi vọng khi mở rộng thử nghiệm ở Brazil, Nam Phi. Để rồi cuối tháng 07/2020, nhóm đã có công bố chính thức kết quả thử nghiệm đầu tiên đầy khả quan trên tạp chí Y khoa Lancet: tạo ra kháng thể trung hòa chống lại virus và tạo ra cả tế bào T cho phép hệ miễn dịch ghi nhớ virus để bảo vệ cơ thể trong tương lai mà tác dụng phụ của vaccine có thể chấp nhận được. Các thử nghiệm diện rộng sau đó đã cho thấy vaccine đã hạn chế tối đa việc lan truyền virus từ những người bị nhiễm này thông qua sự giảm mạnh những người nhiễm mà không xuất hiện triệu chứng.

Sự thành công của vaccine tới từ Oxford này đã và đang đem lại niềm hi vọng lớn lao cho toàn nhân loại, và đứng đằng sau nó là những đóng góp lớn từ những nữ khoa học như Sarah Gilbert, Catherine Green, Teresa Lambe và tập thể nhóm nghiên cứu tại Oxford. Một điều mà ít người biết bên cạnh những nỗ lực không mệt mỏi của họ: họ đã gạt bỏ lợi nhuận kinh tế sang một bên để ưu tiên đưa thành tựu khoa học đến với số đông nhân loại.

người mở đường cho vaccine covid 19
2. Katalin Karikó 

Sinh năm 1955 tại một thành phố nhỏ của Hungary. Sau khi lấy bằng Tiến sỹ tại Đại học Szeged, Kariko tiếp tục nghiên cứu và làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Viện Hóa sinh, Trung tâm Nghiên cứu Sinh học của Hungary đặt tại thành phố Szeged trước khi sang Mỹ. Sự nghiệp thành công trong khoa học của Katalin cũng không hề dễ dàng gì.

Trong toàn bộ sự nghiệp, tiến sĩ Kariko tập trung vào RNA thông tin (mRNA), vật liệu di truyền mang chỉ thị DNA cho bộ máy tạo protein trong mỗi tế bào. Bà tin chắc mRNA có thể dùng để hướng dẫn tế bào tự sản xuất thuốc, bao gồm vaccine.

Nhưng trong nhiều năm liền, sự nghiệp của bà rất bấp bênh cho dù đang là giáo sư tại Đại học Pennsylvania. Năm 1990, Karikó đã bị đánh trượt trong lần nộp đơn xin quỹ tài trợ đầu tiên của mình, với đề xuất thiết lập liệu pháp gen. Dù đang trên đà trở thành giáo sư chính thức, nhưng việc bị từ chối tài trợ khiến bà bị trường đại học giáng cấp vào năm 1995. Kariko chuyển từ phòng thí nghiệm này qua phòng thí nghiệm khác và chưa bao giờ được trả hơn 60.000 USD/ năm. Tuy nhiên, bà vẫn kiên định, không màng tới danh tiếng mà chỉ chuyên tâm vào công việc ở phòng thí nghiệm, mặc cho nhiều lần thất bại và không có kinh phí tiếp tục nghiên cứu.

người mở đường cho vaccine covid 19
Katalin Karikó, hiện là Phó chủ tịch cấp cao tại BioNTech phụ trách mảng mRNA. Ảnh: Boston Globe

Cuộc gặp gỡ năm 1997 với Drew Weissman, giáo sư miễn dịch học tại Đại học Pennsylvania đã thay đổi tất cả. Sự kết hợp giữa một nhà Hóa Sinh học và Miễn dịch học đã tạo ra một loạt điểm sáng đầu tiên về ứng dụng của mRNA.

Trong một loạt bài báo bắt đầu từ năm 2005, Karikó và Weissman đã mô tả cách những sửa đổi nucleoside cụ thể trong mRNA dẫn đến giảm phản ứng miễn dịch. Họ thành lập một công ty nhỏ vào năm 2006 và 7 năm sau đã nhận được bằng sáng chế cho việc sử dụng một số nucleoside đã được sửa đổi để giảm phản ứng miễn dịch kháng virus đối với mRNA. Các nhà khoa học cho rằng có thể ứng dụng phương pháp tương tự để chỉ dẫn cơ thể tạo ra bất kỳ loại thuốc protein nào như insulin, hormone khác hoặc một số thuốc trị tiểu đường mới. Điều quan trọng là mRNA có thể dùng để sản xuất vaccine chưa từng thấy trước đây. Thay vì tiêm một đoạn virus vào cơ thể, những bác sĩ có thể tiêm mRNA chỉ thị tế bào tạo ra đoạn virus đó. “Chúng tôi nói chuyện với các công ty dược và nhà đầu tư mạo hiểm nhưng không ai quan tâm”, tiến sĩ Weissman nhớ lại. “Chúng tôi hò hét rất nhiều nhưng không ai lắng nghe”.

Sau cùng, hai công ty công nghệ chú ý tới công trình của họ là Moderna ở Mỹ và BioNTech ở Đức. Pfizer hợp tác với BioNTech và hai công ty đang hỗ trợ kinh phí cho phòng thí nghiệm của tiến sĩ Weissman. Không lâu sau đó, những thử nghiệm lâm sàng với vaccine cúm mRNA đã được tiến hành, đồng thời vaccine chống virus cytomegalovirus và Zika cũng đang trong quá trình phát triển. Đột nhiên, nCoV xuất hiện. Lập tức, ý tưởng được đưa ra là tạo ra vaccine dưới dạng mRNA đưa vào cơ thể, chỉ thị tế bào người sản sinh tế bào gai của nCoV và hệ miễn dịch sẽ phát hiện protein đó, xem nó là vật thể lạ và biết cách tấn công nCoV nếu nó xuất hiện trở lại trong cơ thể.

Tới tháng 11/2020, nghiên cứu thử nghiệm của Pfizer-BioNTech được công bố cho thấy hiệu quả vượt trội của mRNA vaccine trong việc bảo vệ cơ thể chống lại SARS-CoV-2 đã tạo nên một bước ngoặt cho nhân loại không chỉ trong đại dịch COVID-19, mà đây còn là công nghệ tiềm năng để con người có thể chống lại hàng loạt bệnh khác như ung thư hay các bệnh truyền nhiễm khác.

 

Chỉ trong vòng hơn 2 năm từ khi SARS-CoV-2 xuất hiện, thế giới đã phải chịu rất nhiều mất mát thương đau, thế nhưng, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, kiên trì theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu của các nhà khoa học như 2 nữ giáo sư Sarah Gilbert và  Katalin Karikó, hàng triệu người trên thế giới đã được cứu sống. Thông qua chuỗi series những bài viết này, Merck muốn gửi lời cảm ơn và tôn vinh tri ân các nhà khoa học nữ vì sự kiên định bền bỉ, hi sinh thầm lặng mà từ đó đã có những đóng góp to lớn trong lịch sử phát triển của nhân loại.

 

Nguồn tham khảo:

https://covid19.gov.vn/cha-de-cua-cong-nghe-vaccine-covid-19-pfizer-moderna-gianh-giai-thuong-danh-gia-breakthrough-171210910164310947.htm

https://vnexpress.net/me-de-cua-cong-nghe-mrna-toi-khong-lam-de-thanh-nguoi-hung-4416308.html

https://www.bbc.com/news/health-59542211

https://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/sarah-gilbert-nguoi-hung-trong-cuoc-chien-chong-covid19/20210129025037488p1c160.htm

BÀI VIẾT HỮU ÍCH

ỨNG DỤNG HỮU ÍCH
CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN MÃI

NHẬN NGAY TƯ VẤN TỪ MERCK